Hoa lan hồ điệp là một loại cây rất khó trồng và chăm sóc bởi nó yêu cầu về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp… Tuy nhiên trong điều kiện môi trường tốt như này lại tạo cơ hội cho nhiều vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi và phát triển làm ảnh hưởng đến cây trồng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những bệnh thường gặp ở lan hồ điệp và cách chữa trị hiệu quả.
Dấu hiệu nhận biết các bệnh và cách chữa bệnh
Bệnh ở lan hồ điệp do nấm mốc gây ra
Lá thối đen
- Biểu hiện: Đây là hiện tượng thường gặp nhất ở lan hồ điệp với biểu hiện là lá cây ban đầu xuất hiện các đốm vàng nâu, lâu ngày sẽ gây thối rữa lá và có mùi thối.
- Nguyên nhân: do nấm Colletotrichum sp và Phytophthora sp gây nên khi bị bị thừa nước, ngập úng hay nước đọng nhiều trên lá trong thời gian dài. Ngoài ra còn do lượng phân bón không tan hết khiến cây bị bầm ngọn, tạo môi trường lý tưởng cho nấm bệnh sinh sôi và phát triển.
- Cách chữa: Khi phát hiện các đốm vàng trên lá, bạn cần tách cây bệnh ra khỏi những cây khỏe mạnh và thay giá thể mới cho cây hoặc tiến hành phun thuốc trị nấm như Appencarb 75DF 15g/1l; Score 250 EC 5 – 10mI/10l; Đồng Oxyt BTN 35% 50 – 100g/10l;….
Sau đó treo chậu lan vào chỗ thoáng mát, tránh gặp nắng sẽ khiến cây bị khô và mất nhiều nước. Trong tuần đầu tiên bạn không nên tưới nhiều nước cho cây vì cây chưa lành và quen giá thể mới.
Xem thêm: [Hướng dẫn] Cách thay chậu lan hồ điệp tại nhà
Bệnh phấn trắng
- Biểu hiện: lá cây xuất hiện rất nhiều đốm trắng nhỏ li ti dần dần sẽ ăn sâu vào thân và rễ cây. Giai đoạn đầu lá ở hai mặt sẽ có màu trắng, rồi rụng dần do ký sinh hút hết chất dinh dưỡng, rồi di chuyển xuống thân và rễ lá khiến cây chết khô dần.
- Nguyên nhân: Do nấm Erysiphe Cichoracearum – 1 loại nấm ký sinh chuyên tính gây ra.
Ở môi trường có độ ẩm cao loài nấm này sẽ phát triển với tốc độ mạnh và nhanh chóng di chuyển khắp nơi trên cây lan hồ điệp.
- Biện pháp: Phun các loại thuốc có hoạt chất như Hexaconazole, Azoxystrobin hay các hỗn hợp (Mandipropamid + Chlorothalonil)… để diệt tận gốc nguồn bệnh.
Bạn cần dọn dẹp sạch sẽ khu vực trồng lan, chọn loại lan có chất lượng tốt, khả năng chống bệnh cao và sử dụng màng phủ nông nghiệp trong nhà trồng lan.
Bệnh muội than
- Biểu hiện: Mặt sau lá xuất hiện các vết giống bụi bẩn màu đen dày đặc giống bọ dệt
- Nguyên nhân: lý do chủ yếu dẫn đến bệnh muội than ở lan hồ điệp là do chưa khử trùng sạch than trước khi trồng tạo điều kiện cho các bào tử muội than Sacly Molds lây lan lên cây trồng.
- Biện pháp: Ngay khi thấy lá hoa lan có màu đen bạn cần rửa sạch và phun Dithane 80WP 40-50g/bình 10l để kháng bệnh với cường độ 2 tuần/lần. Để bảo vệ cây tốt hơn và không gây bệnh muội than nữa, bạn nên thay đổi giá thể trồng lan và ngâm trong vôi từ 1-2 ngày để diệt hết vi khuẩn tiềm ẩn.
Bệnh vàng lá
- Biểu hiện: trên bề mặt lá xuất hiện các đốm màu xám hoặc nâu nhạt ở phần cuống là
và hoa. Bệnh làm cây tăng trưởng chậm, khó kích thích mọc hoa đồng thời làm lá bị vàng và rụng dần.
- Nguyên nhân: do bào tử nấm trên lá và hoa lan hồ điệp gây nên
- Biện pháp: người trồng lan cần loại bỏ phần xuất hiện đốm, sau đó phun Boocdo 1%, Zineb 80WP hay Dithane 80WP 40-50g/bình 10l,…và tiến hành kiểm tra bộ rễ.
Bệnh khô lá
- Biểu hiện: Bệnh khởi nguồn với vết cháy đen ở đầu lá, lan nhanh, làm khô và hư hỏng lá
- Nguyên nhân: do loài nấm thuộc giống Phyllosticta gây ra
- Cách chữa: Khi phát hiện bệnh cần cắt bỏ lá từ phần chuyển vàng, sau đó phun thuốc Score hoặc Super Tilt cho tới khi hết bệnh.
Bệnh héo rễ
- Biểu hiện: rễ cây mất khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, làm rễ cây khô héo không cung cấp lên thân cây làm cây chết khô dần.
- Nguyên nhân: do nấm Sclerotium rolfsii hay nấm hạch gây nên
- Cách chữa: người trồng cần cách ly cây bệnh ra khỏi cây khỏe mạnh, sau đó phun thuốc Sumi 8 hoặc Anvil vào phần dưới gốc rễ cây.
Bệnh thối mềm
- Biểu hiện: Phần lá xuất hiện các chấm nhỏ có màu nâu rồi lây lan nhanh chóng, diện rộng làm thối toàn bộ lá và cây sẽ chết dần nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
- Nguyên nhân: gây ra bệnh thối mềm do vi khuẩn Erwinia Carotovora, khi không khí có độ ẩm cao, nhiệt độ ấm sẽ tạo cho nó phát triển rồi sinh trưởng mạnh.
- Cách chữa: Cắt bỏ toàn bộ phần bị thối rồi ngâm cây trong dung dịch Kasumin hoặc Agrimycin, thuốc tím với nồng độ 5g/lit trong khoảng thời gian là 5-7 phút.
Bệnh do côn trùng gây ra
- Biểu hiện: lá cây, hoa, thân cây bị cắn hại làm hoa nở không đều cách, thậm chí là cây không phát triển được, gây ra các tình trạng rụng lá và cây suy yếu dần. Hay bạn có thể nhìn ra côn trùng có kích thước to, phân côn trùng ở khu vực trồng lan hồ điệp.
- Nguyên nhân: Khu vực trồng hoa lan thường xuất hiện các loài côn trùng gây bệnh như bọ trĩ, bọ rầy, sâu bướm, ốc sên…Những loài côn trùng này thường sống bám kí sinh trên lá để ăn các chất dinh dưỡng trên cây lan hoặc sống ở gốc cây lan ăn phân lân, nước…
- Cách chữa: Để điều trị căn bệnh phổ biến trên lan hồ điệp này, cần loại trừ rệp gây hại bằng lưới bắt côn trùng và phun các loại thuốc chống bọ trĩ gồm Sumicidin 5-15g/bình 8l; Kelthane 18,5EC, 10-15 ml/10l;…
Những lưu ý khi trồng lan hồ điệp
Để tránh được những bệnh trên và giúp cây phát triển tốt bạn cần chú ý đến những điều sau:
- Thường xuyên vệ sinh khu vực trồng lan sạch sẽ, thoáng mát, giữ cho khu vực luôn khô ráo.
- Khử trùng định kỳ cho cây lan để phòng tránh được các bệnh trên và không tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
- Sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng cách sẽ giúp phát huy tối đa công dụng. Đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường và sức khỏe con người.
- Chọn những giống lan có chất lượng tốt, khả năng phòng chống bệnh tốt hơn.
- Sử dụng màng nhà kính giúp ngăn chặn côn trùng và tạo môi trường lí thưởng cho cây lan hồ điệp phát triển tốt.
Xem ngay: Mua hoa lan hồ điệp ở đâu rẻ?
Hy vọng qua bài viết trên đã cung cấp cho bạn biết những bệnh thường gặp ở lan hồ điệp và cách chữa bệnh hiệu quả.
Tôi là Hoàng Thị Hải Giang là tác giả chuyên viết bài trên www.dienhoatuoi24h.net. Tôi có 15+ năm kinh nghiệm về tìm hiểu các loài hoa và bán hoa… Với kinh nghiệm của bản thân được chia sẻ thông qua các bài viết hy vọng mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc.